Có phải tôi đã bị trầm cảm?

Tôi có rất đông anh chị em. Hồi xưa ba tôi từ bên Tàu qua, gặp má tôi ở Bến tre. Vậy là hai vợ chồng lập nghiệp ở đó luôn, sinh ra một đàn con hơn mười đứa.
Giờ đây anh chị em chúng tôi đều đã già, đứa út trẻ nhất cũng đã 54 tuổi.

Chị tôi và ba đứa em gái hiện đang ở Bến tre, con cái đều đã trưởng thành, làm việc ở Sài Gòn. Mùa dịch này chị tôi về Giồng trôm ở với anh rể tôi đang trông nom bà mẹ già, vậy mà thấy an toàn hơn ở thị xã. Em gái thứ 9 của tôi ở một mình gần Thất Cao đài, đi làm nhà thuốc tây, năm nay cũng đã 64 tuổi. Em gái thứ 10 ở Ba tri với chồng, 63 tuổi, cũng bán thuốc tây. Đứa em gái kế út, 58 tuổi thì sống với con cháu ở thị xã. Kể dông dài như thế để thấy chị em nhà tôi không ai còn trẻ cả.
Người em trai thứ 8 và em trai thứ 11 cũng như tôi, mấy chục năm sống ở Sài Gòn. Em trai út thì ở Canada, chị thứ 5 thì sống cùng chồng con bên Mỹ.
Kể vậy tất nhiên còn thiếu, vì còn chị Ba và anh Tư ở Mỹ nữa, nhưng tôi muốn đề cập riêng, vì anh chị vốn đã được ba má tôi cho bà dì (em của bà ngoại tôi) từ lúc mới sinh, vì bà dì bị hiếm muộn. Anh chị lớn lên với sự nuôi dạy của ông dượng bà dì tôi, cuộc sống đủ đầy, giàu có. Anh chị tôi vốn là một cặp song sinh, chị ra trước nên là thứ ba, anh ra sau nên là thứ tư. Tính như vậy, bởi vì chúng tôi còn một người chị nuôi thứ hai nữa. Sau khi sinh đứa con đầu lòng không giữ được, má tôi đi coi thầy. Thầy phán má tôi phải xin một đứa con nuôi thì những đứa sau mới khỏe mạnh.
Chị và các em tôi ở Việt Nam đáng lẽ có thể an hưởng tuổi già vì các con thành đạt, nhưng hiện giờ vẫn còn phải nai lưng ra làm việc để có thu nhập, vừa lo cho bản thân vừa phụ giúp phần nào cho con cái. Nhưng về mặt tâm lý thì chị em tôi có thể sống vui vì con cái ăn nên làm ra, mấy đứa cháu được nuôi dạy kỹ càng, đầy đủ.
Chị em tôi có lập một trang Zalo để chat chit, hàng ngày nhắn với nhau chuyện này, tin nọ. Mùa dịch này, tin chủ yếu vẫn là Covid-19, nhất là tình hình dịch bệnh ở Bến tre.
Tình trạng của tôi có phần khác với chị em tôi. Gần đây vợ tôi được công ty yêu cầu ra tăng cường cho khâu trực tiếp sản xuất đang thiếu người. Mà ngoài phân xưởng thường xuất hiện F0, mặc dù công ty làm 5K rất quyết liệt. Vợ tôi phải làm 3 tuần rồi mới trở về chỗ làm cũ. Phải nói rằng cô ấy rất nhiệt tình, mặc dù có thể từ chối. Cô ấy đi làm từ 7 giờ sáng đến 7 giờ tối, làm cả thứ bảy, chủ nhật. Cô ấy rất cẩn thận, đeo khẩu trang, kính chống giọt bắn, xịt khử khuẩn các đồ vật tiếp xúc. Mỗi tối về nhà, cô ấy vào toilet tắm gội ngay, tránh tiếp xúc gần với tôi. Tính đến nay cô ấy mới làm được có một tuần. Còn hai tuần nữa.
Mỗi ngày tôi ở nhà với tâm trạng lo âu. Đầu óc tôi cứ nghĩ ngợi những chuyện không may. Tôi sợ để lâu ngày sẽ bị stress, bị trầm cảm nên vào Zalo than thở với chị với em. Tôi cũng than với chị Năm tôi bên Mỹ. Tối hôm qua tôi còn vô Messenger để than cùng đứa em vợ. Mọi người ai cũng an ủi, khuyên lơn tôi, chỉ tôi cách diệt lo như nghe nhạc Thánh ca, viết nhật ký…Chị Năm tôi giống như tu tại gia, nói cho tôi nghe những điều hay của kinh kệ, bài giảng của đạo Phật. Ấn tượng nhất có lẽ là lời khuyên của cô em vợ:
▪︎Anh hãy bớt lo lắng lại. Cứ nghĩ như ba mình á, sống chết có số, trời kêu ai nấy dạ. Lo lắng quá cũng không làm được gì cả. Xưa ba hay nói vậy á. Mà e thấy nó đúng nên cứ sống theo vậy.
Lạ thật, sống chết có số, trời kêu ai nấy dạ thì ai cũng biết, nhưng không hiểu sao qua lời nói của nhỏ em nó như rõ mồn một và biến thành chân lý.
Sáng giờ tôi bớt lo hơn, lên mạng làm trang web, viết nhật ký. Thời gian chừng như cũng qua nhanh hơn, giờ đã là 16 giờ 9 phút. Còn 3 tiếng nữa vợ sẽ về. Hôm qua nhà mẹ gởi xe lên một thùng đồ gồm thịt heo, thịt bò, gà, vịt, cá. Vợ tôi nhờ shipper nhận hàng từ Suối Tiên mang về giao bảo vệ công ty, 7 giờ cô ấy ra ca chở về nhà. Số thực phẩm này là vợ tôi nhờ mấy đứa em ở Định quán mua gởi lên. Cô ấy loay hoay đến gần nửa đêm để bỏ thức ăn vào từng bịch nhỏ bỏ tủ đông. Tôi chỉ phụ được việc mở những chiếc bao nylon ra cho vợ. Nhiều lúc cô ấy ngồi làm rồi không thể đứng lên, kêu tôi lấy đồ phụ. Tội nghiệp quá, làm cả ngày 12 tiếng rồi giờ còn phải làm việc nhà đến nửa đêm. Vậy mà khi ngã lưng xuống giường được rồi, cô ấy lại nói cười với tôi như không có gì xảy ra. Tôi mong cho vợ ngủ được ngay để mai đi làm tiếp, dù biết rằng đêm nay nếu có thẳng giấc thì vợ tôi cũng chỉ ngủ được 5 tiếng.
Người em rể ở Ba tri, chồng cô em thứ 10 của tôi cũng lâm vào hoàn cảnh như tôi: ở nhà một mình hơn 10 tiếng để vợ ra bán tiệm thuốc tây. Mỗi đêm cô em về, tắm rửa xong, lên giường là cặp mắt ríu lại. Anh chồng thì cả ngày mong vợ về để nói chuyện, tâm sự đầy vơi. Có hôm cô em không kịp nói câu gì với chồng đã ngủ thiếp. Buôn bán cả ngày, thường xuyên đứng chứ ít khi ngồi, huống hồ gì là nằm ngã lưng một chút, chuyện buồn ngủ là đương nhiên (Đáng sợ là lại không ngủ được). Anh chồng thường nói: Cuộc đời này giờ chẳng có gì vui. Mà quả đúng như thế, ngày lại ngày qua, anh chồng cứ sống một mình như thế, ngoại trừ lâu lâu có con cái về thăm. Tôi cũng trong hoàn cảnh tương tự như thế nên tôi hiểu. Trước đây là 6 giờ 30 đến 5 giờ chiều. Bây giờ là 7 giờ sáng đến 7 giờ 30 tối. Trước đây còn có 2 ngày thứ bảy và chủ nhật trọn vẹn bên nhau. Bây giờ, cả 3 tuần mới có 1 ngày chủ nhật được nghỉ. Vợ tôi bảo: Xong 3 tuần này, nếu công ty có yêu cầu lại phải làm tiếp.
Anh chị em nhà tôi tuy già rồi nhưng ai cũng sống có vợ có chồng, chứ đâu như tôi mỗi ngày chỉ thấy mặt vợ được vài tiếng.
Mà cũng thật lạ, cách đây vài năm, khi ấy tôi cũng đã về hưu rồi, sao tôi chưa bao giờ cảm thấy cô đơn một mình. Vợ đi làm thì cứ đi, tôi ở nhà thì cứ ở, không việc gì phải buồn cả.

(15/11/2021)

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *